Theo nhận định của David Lang, chuyên gia về chuyển đổi số của Yellow Blocks đã từng tư vấn cho các tập đoàn hàng đầu như AT&T, Sony, Toyota ... “Trọng tâm của chuyển đổi số không nằm ở công nghệ thông minh, mà nằm ở yếu tố chuyển đổi về con người, về tư duy và về văn hóa của một doanh nghiệp, tổ chức”.
Thực vậy, trong tiến trình chuyển đổi số, tất cả mọi thứ, từ phát triển tầm nhìn, xây dựng chiến lược đến việc truyền đạt ý tưởng và triển khai thực hiện … đều liên quan đến yếu tố con người. Do vậy, có thể hiểu rằng để giải quyết thành công bài toán chuyển đổi số, các tổ chức cần chú trọng vào nhân tố con người và văn hóa doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ mới.
Tiến trình chuyển đổi số tác động đến mọi khía cạnh và thành phần của tổ chức, việc thay đổi đòi hỏi chấp nhận một tư duy dài hạn, hướng tới một bức tranh toàn cảnh hơn. Thực thi nhiệm vụ chuyển đổi số trong mỗi tổ chức được chỉ đạo, ban hành từ cấp lãnh đạo - với tầm nhìn, chiến lược và lộ trình rõ ràng cùng sự đồng lòng, chung tay của tất cả các phòng ban, cá nhân hay đội nhóm liên quan.
Với vai trò dẫn đầu, đội ngũ lãnh đạo sắp xếp lại nguồn ngân sách, tài nguyên, xây dựng chiến lược, triển khai thực hiện … Đồng thời, với hiểu biết về công nghệ cùng tầm nhìn, khả năng quản trị rủi ro và thích ứng, ban lãnh đạo truyền đạt thông tin về kế hoạch hành động, thúc đẩy nhận thức, truyền cảm hứng để đưa mọi người cùng tham gia vào hành trình chuyển đổi số của tổ chức.
Chuyển đổi số đòi hỏi các nhà lãnh đạo cũng như nhân viên phải chấp nhận những thay đổi lớn. Một tổ chức có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất cho lộ trình chuyển đổi số, nhưng khoản đầu tư vào công nghệ có thể không mang lại hiệu quả nếu người lao động không thích ứng với sự thay đổi. Từ đó cho thấy việc định hướng cho người lao động thích ứng với công nghệ mới có thể xem là một trong những trải nghiệm thách thức nhất trong quá trình chuyển đổi số.
Do vậy, vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để giúp người lao động hình thành tư duy cởi mở, không ngại thay đổi và sẵn sáng đối mặt với thử thách? Trên thực tế, đa phần mọi người có xu hướng chống lại sự thay đổi một cách tự nhiên, một số người có thể lo lắng rằng chuyển đổi số sẽ dẫn đến tự động hóa, từ đó thay thế công việc của họ. Điển hình là tầng lớp lao động phổ thông sẽ đứng trước nguy cơ mất việc do quá trình tự động hóa.
Câu chuyện về Joseph Marie Jacquard (1752-1834), nhà phát minh ra máy dệt tự động là một ví dụ điển hình. Năm 1805, máy dệt tự động chính thức được chế tạo và vận hành. Máy dệt do Jacquard chế tạo là dạng máy dệt tự động, sử dụng các loại thẻ được đục lỗ để giữ kim và gắn với sợi dọc, khi một thẻ có một lỗ trống thì kim được xuyên qua và móc được nâng lên, khớp với những sợi dọc. Máy dệt Jacquard đánh dấu một giai đoạn cách mạng trong ngành công nghiệp dệt ở Pháp. Tuy nhiên, lo ngại máy dệt tự động ra đời đã dẫn đến hàng loạt công nhân ngành dệt bị mất việc, do vậy bộ phận công nhân này đã hợp lực phá hỏng cỗ máy và đẩy người phát minh ra cỗ máy tự động xuống sông Rhone. May mắn là Joseph Marie Jacquard đã thoát chết và được chính phủ Pháp trả công cho phát minh của mình. Cho đến nay máy dệt tự động vẫn còn được sử dụng rộng rãi, và đội ngũ thợ dệt thủ công đã thay đổi quan điểm để thích ứng với công nghệ mới. Thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển thay vì duy trì tư duy cũ, cách thức làm việc cũ thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
Về dài hạn, với những thách thức cũng như tác động tiềm năng của chuyển đổi số, mỗi người chúng ta cần nhận thức rằng quá trình chuyển đổi số là cơ hội để nâng cao chuyên môn nhằm phù hợp với xu thế trong tương lai, từ đó tư duy lại cách thức học tập, sáng tạo, linh hoạt giải quyết vấn đề …
Như vậy có thể thấy rằng để chuyển đổi số thành công, không chỉ nằm ở việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người – với hệ tư duy cởi mở, sáng tạo, linh hoạt, không ngại thay đổi, sẵn sàng đối mặt với thử thách, chấp nhận từ bỏ các sản phẩm, quy trình … lỗi thời, kém hiệu quả để thay thế bằng những điều tốt hơn, hiệu quả hơn. Tuy công nghệ là yêu cầu thiết yếu cho quá trình chuyển đổi số, nhưng chính con người mới có thể làm cho công nghệ trở nên hữu ích, hay nói cách khác, con người chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của tiến trình chuyển đổi số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Chuyển đổi số - Thomas M.Siebel
https://hbr.org/2021/11/4-principles-to-guide-your-digital-transformation
https://hbr.org/2019/03/digital-transformation-is-not-about-technology?registration=success
https://www.eaglesflight.com/blog/3-reasons-why-digital-transformation-is-about-people-not-technology
https://www.hays.co.uk/blog/insights/why-people-are-the-key-to-the-success-of-your-digital-transformation-efforts
https://vi.abivin.com/post/tam-quan-trong-con-nguoi-chuyen-doi-so
https://vneconomy.vn/chuyen-doi-so-con-nguoi-la-toi-quan-trong-647511.htm
https://dochangeright.com/employees-may-resist-digital-transformation-what-leaders-can-do-to-drive-change/
https://fowmedia.com/helping-your-employees-adapt-to-digital-transformation/
https://digitalmarketinginstitute.com/blog/how-to-drive-the-people-part-of-digital-transformation
https://www.itproportal.com/features/people-are-the-key-to-successful-digital-transformation/
https://www.upstrategylab.com/blog/digital-transformation
https://searchcio.techtarget.com/definition/digital-transformation