Chuyển đổi số

Chuyển đổi số - Xu hướng, chiến lược và hành động Kỳ 1: Thay đổi để thích ứng

Thứ hai, 26/9/2022 | 08:32 GMT+7
Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận rằng chuyển đổi số đang tăng tốc và thay đổi đáng kể thế giới. Mặc dù thuật ngữ chuyển đổi số thường được sử dụng trong bối cảnh của các doanh nghiệp, nhưng thực tế nó có tác động đáng kể đến Chính phủ, các công ty khu vực công và các tổ chức khác có liên quan đến việc giải quyết những thách thức mà xã hội phải đối mặt.

Vậy, chuyển đổi số là gì, và vì sao cần phải thực hiện tiến trình chuyển đổi số?

Về cơ bản, chuyển đổi số là sự kết hợp các giải pháp công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động và nền tảng truyền thông xã hội … vào các lĩnh vực khác nhau của tổ chức nhằm kiểm tra, thay đổi và tái tạo lại tất cả các khía cạnh, từ cấu trúc, chiến lược, phương thức hoạt động, quy trình làm việc, kỹ năng của người lao động, đến chuỗi cung ứng, các tương tác của khách hàng … từ đó mang lại cơ hội tăng trưởng và lợi nhuận cho các bên liên quan.

Chuyển đổi số là một hành trình, là định hướng mang tính chiến lược, đòi hỏi tổ chức phải liên tục theo dõi các xu thế, đánh giá quá trình, chiến lược và đưa ra những điều chỉnh phù hợp để thích nghi. Trong thực tế, việc thích ứng và theo kịp sự thay đổi là điều không dễ dàng đối với nhiều người. Ở một khía cạnh nào đó, sự thay đổi ở quy mô lớn có thể gây ra sự hoảng loạn khi doanh nghiệp phải chuyển trọng tâm từ những gì được hiểu là đang vận hành tốt, thay vào đó quyết định đầu tư vào các giải pháp thay thế ẩn chứa rủi ro và chưa thật đáng tin. Một số doanh nghiệp truyền thống, quy mô lớn thường có xu hướng chống lại rủi ro với câu hỏi được đặt ra: “Vì sao phải đổi mới khi mọi thứ vẫn đang chạy ổn?”

Cho đến thời điểm hiện nay, sự sụp đổ của hàng loạt những doanh nghiệp truyền thống lẫy lừng có thể bắt nguồn từ sự thiếu thích ứng và không có sự đổi mới trong phương thức vận hành kinh doanh, cũng như tư duy xem việc thiết kế lại các quá trình căn bản như một gánh nặng do không thể dứt ra được cách thức làm việc hiện tại. Câu chuyện của Kodak có thể xem là một trường hợp thất bại đau lòng từ việc thiếu đổi mới và cứng nhắc theo đuổi tầm nhìn ban đầu. Được thành lập vào cuối những năm 1880, Kodak trở thành gã khổng lồ trong ngành nhiếp ảnh vào những năm 1970. Trong gần một trăm năm, Kodak đã đi đầu trong lĩnh vực nhiếp ảnh với hàng chục cải tiến và phát minh, giúp nghệ thuật nhiếp ảnh có thể tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng. Kodak đã duy trì theo đuổi dòng ảnh phim truyền thống là thế mạnh của mình, thay vì nhận ra và thích nghi giá trị mới mà người tiêu dùng nhận được từ máy ảnh kỹ thuật số. Từ đó cho thấy việc thiếu đổi mới và quá phụ thuộc vào di sản của chính mình có thể xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết cục phá sản của Kodak vào năm 2012.

Nhiều tổ chức tin rằng họ phải thích ứng với sự thay đổi được thúc đẩy bởi số hóa hoặc đối mặt với sự tuyệt chủng. Theo công bố về chỉ số chuyển đổi số năm 2020 của Dell Technologies, một phần ba các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng tổ chức của họ sẽ không tồn tại trong những năm tới, trong khi 60% cho rằng họ sẽ tồn tại nhưng phải buộc cắt giảm nhiều việc làm, và có thể mất nhiều năm để có lãi trở lại.

Theo Thomas M.Siebel, tác giả của Chuyển đổi số: “Nếu chỉ chạy theo xu hướng thay đổi thì chưa đủ, các tổ chức, doanh nghiệp cần phải làm mới cách tương tác với một thế giới đang thay đổi không ngừng. Phải nhận thức được mô hình hiện tại sẽ phát triển hay tự kết thúc. Phải tạo ra các quá trình sáng tạo và tận dụng được những nguồn tài nguyên dồi dào sẵn có. Phải chuẩn bị cho mọi tình huống bất ổn trong tương lai bằng cách xây dựng các hệ thống với những cấu phần có thể hoán đổi cho nhau: sản xuất nhanh hơn, mở rộng quy mô nhanh hơn, làm việc nhanh hơn. Một khi doanh nghiệp, tổ chức xác định được mối liên hệ giữa xã hội, công nghệ và nền công nghiệp, thực hiện đa dạng trong đổi mới sáng tạo, không ngừng học tập thông qua các trải nghiệm, tìm cách hấp thụ dữ liệu lớn bằng cách khai thác công nghệ đám mây, AI và IoT sẽ duy trì được sự tồn tại và tiếp tục phát triển.”

Giữa cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 với sự giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và không có tương tác thực tế với khách hàng đã thúc đẩy hành trình chuyển đổi số của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Nếu một tổ chức không thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu trong tình hình chung như hiện nay, sự tồn tại của tổ chức đó có thể bị đe dọa. Chúng ta hoàn toàn ý thức được rằng để thích nghi và tồn tại, toàn thể tổ chức sẽ phải trải qua một quá trình thay đổi căn bản, và luôn phải chủ động, linh hoạt trong quá trình chuyển đổi, sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, chấp nhận từ bỏ các quy trình lỗi thời và không hiệu quả và thay thế chúng bằng những cách thức vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 Chuyển đổi số - Thomas M.Siebel

 https://online.sbu.edu/news/why-kodak-failed

 https://www.escribemeetings.com/

 https://www.mckinsey.com/business-functions/strategy-and-corporate-finance/our-insights/the-ústrategy-and-corporate-finance-blog/digital-success-requires-a-digital-culture

 https://fsivietnam.com.vn/5-buoc-trong-quy-trinh-chuyen-doi-so/

 https://fsivietnam.com.vn/chuyen-doi-so-la-gi-tam-quan-trong-cua-chuyen-doi-so-hien-nay-21360/

 https://treehousetechgroup.com/why-digital-transformation-more-important-today/

 https://searchcio.techtarget.com/definition/digital-transformation

 https://www.delltechnologies.com/en-vn/perspectives/digital-transformation-index.htm#pdf-overlay=//www.delltechnologies.com/asset/en-vn/solutions/business-solutions/briefs-summaries/dt-index-2020-executive-summary.pdf

Phòng Kỹ thuật và An toàn